Đánh giá công tác triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ xây dựng chăn nuôi bò hàng hóa cho các hộ gia đình DTTS nghèo di dân ĐCĐC trên địa bàn miền Tây Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020
Thực hiện Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 10/7/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò hàng hóa cho các hộ gia đình DTTS nghèo di dân ĐCĐC trên địa bàn miền Tây Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020”. Từ năm 2016 -2019 Ban Dân tộc giao Trung tâm tư vấn & Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số NA đã triển khai mua bê giống địa phương cấp cho các điểm TĐC tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Hợp, tổng số 242 con. Vừa qua Ban Dân tộc phối hợp với chính quyền địa phương đã đi kiểm tra đánh giá tình hình công tác chỉ đạo, giám sát và công tác chăm sóc, phát triển của đàn bò giống của các hộ gia đình. Thông qua đó đánh giá hiệu quả của Đề án, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn cho các năm tiếp theo, cụ thể như sau: Điểm Tái định cư ĐCĐC Khe Linh xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Năm 2016 đã tiến hành cấp 30 con bê cái giống cho 30 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay là 27/30 con, trong đó 03 con bị chết do dịch bệnh, làm thịt. Số bò hiện tại phát triển rất tốt trong tổng số 27 con thì 16 con đã sinh sản 16 con bê con; Điểm Tái định cư ĐCĐC Pà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Năm 2016 Trung tâm đã tiến hành cấp 30 con bê cái giống cho 30 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay: 23/30 con, trong đó 05 con bị chết do dịch bệnh, sập hố, bán. Tổng số 21 con bò đã sinh sản 31 con bê. Số bò hiện tại các hộ gia đình trồng cỏ, chăn thả, chăm sóc tốt nên đàn bò, bê con phát triển rất tốt; Điểm Tái định cư ĐCĐC Piêng Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong: Năm 2017 đã tiến hành cấp 32 con bê cái giống cho 32 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay là 26/32 con, trong đó 06 con bị chết do dịch bệnh, sập hố, sinh sản. Số bê con sinh sản 24 con. Số bò hiện tại phát triển bình thường, bà con dân bản ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái nên việc chăm sóc nuôi bò rất tốt; Điểm Tái định cư ĐCĐC bản Khe Nóng, Châu Khê, huyện Con Cuông. Năm 2017 Trung tâm đã tiến hành cấp 32 con bê cái giống cho 32 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay 23/32 con, trong đó 09 con bị chết do dịch bệnh, sập hố, bán. Tổng số đã sinh sản 03 con bê. Số bò hiện tại các hộ gia đình chăn thả, chăm sóc tương đối tốt nên đàn bò, bê con phát triển; Điểm Tái định cư ĐCĐC bản Pủng, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Năm 2018 Trung tâm đã tiến hành cấp 30 con bê cái giống cho 30 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay 25/30 con, trong đó 05 con bị chết do dịch bệnh, sập hố. Tổng số 02 con bò đã sinh sản 02 con bê. Số bò hiện tại các hộ gia đình trồng cỏ, chăn thả, chăm sóc tốt nên đàn bò, bê con phát triển tốt; Điểm Tái định cư ĐCĐC Pù Lãn, Bình chuẩn. Năm 2018 Trung tâm đã tiến hành cấp 28 con bê cái giống cho 28 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay 19/28 con, trong đó 09 con bị chết do dịch bệnh, sập hố, bán. Tổng số 01 con bò đã sinh sản 01 con bê; 17 con bò đã có chửa. Số bò hiện tại các hộ gia đình trồng cỏ, chăn thả, chăm sóc tốt nên đàn bò, bê con phát triển nhanh chóng; Điểm Tái định cư ĐCĐC Kẹo Pà Tú, xã Bắc lý, huyện Kỳ Sơn. Năm 2019 đã tiến hành cấp 30 con bê cái giống cho 30 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay 26/30 con, trong đó 01 con bị chết do dịch bệnh 03 hộ gia đình do hoàn cảnh khó khăn đã bán 3 con. Hiện tại đàn bò phát triển bình thường, bà con dân bản vẫn thả rông nên bò chậm phát triển; Điểm ĐCĐC Tiến Thành, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp. Năm 2019 Trung tâm đã tiến hành cấp 30 con bê cái giống cho 30 hộ gia đình. Số lượng còn thực tế cho đến nay 30/30 con. Số bò hiện tại phát triển bình thường, bà con dân bản vẫn thả rông nên bò chậm phát triển.

Một hộ gia đình chăm sóc bò
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Ban Dân tộc, Trung tâm đã chủ trì và tiến hành phối hợp với Chi Cục Chăn nuôi-thúy y tỉnh, các huyện, xã, thôn bản để tiến hành khảo sát, tổ chức họp nhân dân để bình xét các hộ gia đình DTTS nghèo di dân ĐCĐC và kiểm tra lựa chọn con giống đạt trọng lượng, đạt tiêu chuẩn, tiêm chủng đầy đủ các mũi phòng chống dịch bệnh trước lúc bàn giao cho các hộ dân. Sau khi cấp bê các giống, định kỳ Trung tâm đã phối hợp với các huyện, xã đi kiểm tra, động viên, nhắc nhở các hộ gia đình để chăm sóc đàn bò giống tốt hơn. Riêng điểm ĐCĐC Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông; điểm ĐCĐC Khe Linh, xã Keng Đu; điểm ĐCĐC Bản Pủng, xã Lưu Kiền do vừa cấp bê giống xong khoảng 1-2 tháng bị dịch bệnh lở mồm long móng. Trung tâm đã phối hợp với Thú y huyện, xã để cấp bổ sung cám ăn và khẩn trương hỗ trợ thuốc để chữa trị bệnh cho đàn bê giống kịp thời cho nên cũng đỡ ảnh hưởng thiệt hại.

Kiểm tra thực tế công tác chăm sóc, chăn nuôi đàn bò
Đối với Chính quyền địa phương một số huyện đã quan tâm phối hợp với Ban Dân tộc, Trung tâm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ đến tận các hộ dân. Nhưng cũng có một số xã, thôn bản chưa thật sự giám sát chặt chẽ các hộ gia đình để bê cái giống thả rông, dịch bệnh không được chữa trị kịp thời, tự ý bán hoặc đổi con khác…làm ảnh hưởng đến hiệu quả của đề án.
Đối với các hộ dân được giao bê cái giống là nguồn giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn của Đảng, Nhà nước trong chính sách xóa đói giảm nghèo, đa số hộ dân đã làm chuồng trại, trồng cỏ, chăm sóc chu đáo nên đàn bê cái giống đã phát triển nhanh chóng và sinh sản từ 1 đến 2 con từ đó giảm bớt sự khó khăn, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó còn một số hộ dân đã không làm chuồng trại, trồng cỏ, chăm sóc kém hoặc tự ý bán để lấy tiền làm việc khác.
Với số liệu đã thống kê ở trên và công tác lãnh đạo chỉ đạo của Ban Dân tộc, Trung tâm và sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của chính quyền địa phương và các hộ gia đình được cấp bê giống. Đến nay có thể đánh giá Đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò hàng hóa cho các hộ gia đình DTTS nghèo di dân ĐCĐC trên địa bàn miền Tây Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020” đã đạt được hiệu quả nhất định, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An.
Đăng Tịnh