“Tôi về hưu không phải để nghỉ ngơi, mà cố gắng gánh một phần công việc của bản. Bao nhêu năm mình thoát ly, nay mới có cơ hội trả nghĩa cho bản làng. Tôi cũng chẳng biết khởi nghiệp chi hết, làm kinh tế cho gia đình, đồng thời để bà con làm theo, góp phần xóa cái nghèo, như tinh thần của Chương trình mục tiêu quốc gia”. Đó là tâm sự của ông Vi Văn Nhất ở bản Liên Phương, xã Châu Kim (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).
Về hưu là đảm việc làng
Nguyên là ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiêm tra Huyện ủy Quế Phong, nhưng nghỉ hưu là ông về ngay với bản, không ở thị trấn thêm một ngày nào nữa. Cũng về hưu, ông ứng cử “chức” Người có uy tín và được bà con bản Liên Phương nhất trí 100%.
“Đã 2 nhiệm kỳ rồi, nhưng bà con vẫn tiếp tục yêu cầu làm Người có uy tín nên tôi không thể từ chối. Dân đang tin thì mình phải làm thôi, “chức” này khó từ lắm”, ông Nhất cười vang, sảng khoái.
Ông tâm sự, điều ông trăn trở nhất là bản còn nhiều hộ nghèo. Làm sao để bớt nghèo? Làm sao để bà con biết sản xuất hàng hóa? Rừng có đó nhưng làm sao để phát triển kinh tế rừng?
Đoạn ông chỉ tay về con đường đang được thi công mà rằng, trước đây đường bé tí, đi lại khó khăn, có hàng hóa cũng rất khốn khổ trong khâu vận chuyển; thương nhân làm sao vào bản để trao đổi. Nhân có dự án làm đường, tôi cùng với Chi ủy, ban cán sự bản đi vận động bà con hiến đất đai, tài sản để mở rộng. Thú thực, ban đầu họ chưa nghe đâu, ai cũng tiếc. Tôi nói với bà con rằng, đường đến đâu là văn minh đến đó, làm đường là làm cho dân đi chứ có phải cho quan chức đi đâu; làm đường để mình thuận lợi trong đi lại, trong sản xuất, trong trao đổi, buôn bán… Chính tôi phải tuyên bố, đất đai, tường rào nhà tôi, cứ đường mở đến đâu, tôi hiến đến đó. Bà con nghe lọt cái tai, ưng cái bụng thế là họ sẵn sàng.
Như gia đình anh Dấn, cho công nhân ở trong nhà không thu một đồng nào, ngoài ra anh còn tặng đất vườn để nhà thầu dùng đắp đường. “Mình phải gương mẫu làm trước, nói lời có lý có tình, thì bà con hưởng ứng nay. Dân mình tốt lắm mà”, Người có uy tín Vi Văn Nhất chia sẻ.
- Việc nào khó nhất với bác trong vài trò Người có uy tín, tôi hỏi ông Nhất?
Trầm ngâm một lúc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra nhỏ nhẹ: Ngoài trăn trở đẩy lùi cái nghèo thì việc hòa giài tranh chấp đất rừng là hơi phức tạp. Nhưng chúng tôi đã hòa giải thành công, các bên đều tâm phục khẩu phục, bắt tay đoàn kết. Cách nay vài năm, hai ông Vi Văn Thủy và Ngân Văn Hòa có tranh chấp đất rừng. Hai bên ai cũng cho mình đúng. Bên thì nói cây cối này là do mình trồng, bên lại bảo ranh giới kia đã được phân định…Kinh nghiệm làm kiểm tra cho tôi biết, phải có chứng cứ đầy đủ mới hòa giải được. Ngoài thu thập tài liệu liên quan, chúng tôi mời cán bộ xã, cán bộ địa chính vào tận rừng để giải quyết với hai ông. Sau khi trưng ra các chứng cứ cụ thể, ông Thủy nhận ra mình đã sai, chấp nhận trả lại đất cho ông Hòa, hai bên bắt tay hòa giải, hứa đoàn kết mãi mãi.
Mở đường…
Ngay từ ngày nghỉ hưu, ông Nhất đã bắt tay vào xây dựng gia trại trên diện tích đất rừng khoảng 20 ha. Đây là số diện tích gia đình ông được giao, đồng thời mua thêm của một số hộ dân. Những cây lát, cây xoan… ngày một tươi tốt. Còn trâu bò thì nhiều lắm, 40 con trâu, 20 con bò, 100 con dê… chật kín cả khu rừng. Ai cũng tấm tắc khen, nhưng khốn nỗi là không ai chịu làm như ông.
Lặng im một lúc, ông nói: Tôi kể chuyện này để các anh thấy, phải có người làm trước, phải thực sự hiệu quả thì mới lan tỏa được. Con trai tôi trước làm cán bộ xã, lương thưởng không ăn thua. Hồi tôi mới về hưu, nó còn phải xin hơn 4 triệu đồng để trả tiền nợ quán phở. Khi thấy tôi làm rừng hiệu quả, nó xin nghỉ việc về làm gia trại luôn. “Đấy, mới 3 năm mà đã làm được căn nhà gỗ đàng hoàng, trị giá hơn 500 triệu đồng, không hề phải vay mượn”, ông Nhất phấn chấn.
Ông tiếp tục câu chuyện. Tôi cất công tìm hiểu, tại sao bà con vẫn chưa tin theo mình. Thì ra là do không có đường. Đúng rồi, không có đường nên bà con chẳng mặn mà với rừng. Dăm năm trước, bán được trâu, bò tôi dành ra gần 100 triệu đồng để mở con đường dài 4 km vào rừng. Có đường, nhà mình thuận lợi đã đành, nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn vào rừng. “Đến nay đã có 5 hộ gia đình đầu tư rồi đó, nhà nào cũng thành công”, ông Nhất hồ hởi khoe với tôi.
Tôi nói, thế là bác đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho bà con rồi. Ông cười hiền từ: "Tôi chẳng biết khởi nghiệp chi hết. Làm kinh tế cho gia đình, đồng thời để bà con làm theo, góp phần xóa cái nghèo, như tinh thần của Chương trình mục tiêu quốc gia".
Ông Nhất đánh đùi, chực đứng dậy, mách với tôi: Mới mấy năm thôi, từ hộ nghèo, nhà ông Sơn, ông Sử đã có cả một cơ ngơi khang trang, vừa làm nhà tiền tỷ đấy. Vui lắm lắm, nhà báo ơi!
Đúng như lời ông Nhất, ông Vi Văn Sơn thành thật khoe: “Từ ngày theo bác Nhất vào rừng làm gia trại, kinh tế gia đình khá lên nhiều. Nhà ta thì chưa giàu đâu, mới có 12 con trâu với một rừng quế và lát hoa. Chỉ đủ để nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn thôi mà”.
Tôi hỏi Người có uy tín Vi Văn Nhất về kế hoạch tiếp theo. Ông dắt tôi xuống ao cá vừa mới được cải tạo, rằng: Tôi chuẩn bị nuôi ba ba. Tuần sau sẽ xuôi huyện Yên Thành để mua giống. Nếu thành công, sẽ có nhiều bà con ở đây nuôi theo, vì họ đều có ao.
Tôi nói, Người có uy tín như bác chắc chắn là thành công! Ông Nhất xúc động nắm chặt tay tôi, cả hai cùng cười vang, sóng nước gợn lên…