Ban Dân tộc: Gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo người dân tộc thiểu số
Chiều 28/12, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt cấp huyện là người dân tộc thiểu số.
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện có đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An chiếm 38,9% dân số, sinh sống tại 12 huyện, thị xã; trong đó có 27 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai kịp thời, công khai minh bạch, dân chủ và đúng quy định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo, quốc phòng - an ninh, nhất là an ninh biên giới.
Cùng với triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã ban hành Chỉ thị số 17 về công tác dân tộc và miền núi; HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền núi được quan tâm đầu tư; nhiều mô hình kinh tế được triển khai xây dựng, góp phần thay đổi tư duy, ý chí vươn lên cải thiện đời sống trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Đồng chí Vi Văn Sơn - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc báo cáo tình hình thực hiện chính sách dân tộc tại Nghệ An.
Tại buổi gặp mặt, bên cạnh khẳng định và ghi nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp trong tỉnh, góp phần tạo ra nhiều thay đổi lớn về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện cũng nêu nhiều băn khoăn, kiến nghị các cấp cần tiếp tục quan tâm. Nhất là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số, nhất là chữ viết, tiếng nói ngày càng mai một; chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số gắn với tuyển dụng người dân tộc vào các cơ quan Nhà nước các cấp. Cùng với đó cần quan tâm triển khai các dự án di dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở; giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ các dự án thuỷ điện…
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, tỉnh đang triển khai xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và chung của tỉnh
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã thông tin một số tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều kết quả nổi bật về quy mô kinh tế, tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, thu ngân sách…; đồng thời khẳng định những đổi mới về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh vừa toàn diện, vừa trọng tâm; chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại và tất cả các vùng, trong đó ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Chia sẻ những đặc thù, khó khăn, đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tiếp tục quan tâm đến sự phát triển vùng dân tộc và miền núi, Phó Bí thư Tỉnh uỷ cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó chú trọng chăm lo công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo môi trường ổn định, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; triển khai có hiệu quả 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cũng cho rằng, thời gian qua, cấp uỷ các cấp đã quan tâm chăm lo công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các sở, ban, ngành cấp tỉnh chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Hiện nay, tỉnh đã triển khai xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đáp ứng công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số thời gian tới. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cảm ơn những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo chủ chốt là người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện đã nghỉ hưu thời gian qua. Trên cơ sở những định hướng phát triển vùng dân tộc và miền núi trong thời gian tới, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện phải nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham mưu và thực hiện nhiệm vụ; Đồng thời cũng mong muốn các đồng chí đã nghỉ hưu tiếp tục quan tâm, đóng góp nhiều hơn nữa, nhất là trong giám sát các chương trình, phát huy uy tín của mình để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Vân Anh