Đại hội Đại biểu các DTTS Nghệ An: Một biểu tượng đặc biệt về khối Đại đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc
Chiều 26/9, tại Tp. Vinh (Nghệ An), Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức. Tham dự Đại hội có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh. Về phía tỉnh Nghệ An có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh; cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đại hội với chủ đề “Đồng bào các DTTS tỉnh Nghệ An đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”; diễn ra trong không khí trang trọng, với sự tham gia của 250 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 500.000 đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại Đại hội, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vi Văn Sơn nhấn mạnh: Đại hội là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa to lớn, là dịp để đánh giá việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao của đồng bào DTTS trong quá trình xây dựng tỉnh Nghệ An; đồng thời, cổ vũ và khơi dậy lòng yêu Tổ quốc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn.
Với chủ đề “Đồng bào các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Nghệ An lần thứ IV phải thật sự là biểu tượng của sức mạnh, của khối Đại đoàn kết dân tộc; phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Báo cáo chính trị của Đại hội cho thấy, giai đoạn 2019 - 2024 vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành Trung ương cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp, ngành tỉnh Nghệ An, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có những bước khởi sắc rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực chăm lo phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.
Hiện tại, cơ cấu kinh tế vùng DTTS và miền núi đang tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, GRDP bình quân đầu người ước đạt 34 triệu đồng vào cuối năm 2023.
Việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi được quan tâm nhiều hơn, trong đó đã bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương để giải quyết các nhu cầu bức xúc về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhờ thế, kết cấu hạ tầng không ngừng được tăng cường và phát huy hiệu quả. Chỉ nhìn từ việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn các xã của các huyện miền núi đã xây dựng được trên 1.400km đường bê tông. Việc cấp điện lưới quốc gia đến các thôn, bản được triển khai tích cực. Từ năm 2018 - 2021, đã cấp điện cho 119 thôn, bản; từng bước xóa bản trắng lưới điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS bằng nhiều mô hình, điển hình sản xuất, như: Chăn nuôi, phát triển cây nguyên liệu, dược liệu, trồng rừng…
Một trong những nỗ lực giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi là chính sách vay vốn. Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội của toàn tỉnh ở vùng DTTS và miền núi là trên 1.238 tỷ đồng, cho 26.408 hộ DTTS. Bằng rất nhiều nỗ lực, vùng DTTS và miền núi của tỉnh có 236 sản phẩm, trong đó 226 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao; một số sản phẩm OCOP tiêu biểu đã lên sàn Thương mại điện tử Nghệ An.
Vùng DTTS và miền núi đã có 43 làng nghề; 298 HTX, trong đó có 173 HTX hoạt động hiệu quả, tăng 84 HTX so với năm 2019. Bước đầu đã xuất hiện một số mô hình HTX với những cách làm mới, hiệu quả từ khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại, đến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm.
Văn hóa, xã hội, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy, nhiều lễ hội truyền thống của người dân được phục dựng và phát triển… Gắn với đó, là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, tổ chức lễ, Tết cổ truyền được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm tổ chức với nhiều hình thức phù hợp, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.
Giáo dục vùng DTTS và miền núi được quan tâm, đầu tư, xây dựng bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng mũi nhọn ngày càng nâng lên. Các trường vùng DTTS đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho con em người DTTS. Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học đạt 86,98%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học đạt 71,76%.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành Y tế đã chủ động ban hành nhiều văn bản kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phòng chống dịch bệnh. Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân hiện nay là 12,8; số giường bệnh trên vạn dân tăng lên 38,2; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi giảm xuống còn 13,9% năm 2023.
Trong giai đoạn qua, toàn vùng đã tuyển sinh đào tạo cho 174.445 lượt người, giải quyết việc làm 89.913 người. Từ những nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và của chính mỗi người dân, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng miền núi giai đoạn 2019 - 2020 là 1,65% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020) cuối năm 2019 là 33.548 hộ, tỷ lệ 11,22%, cuối năm 2020 là 28.707 hộ, tỷ lệ: 9,57%; giai đoạn 2021 - 2023 là 4,76% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) cuối năm 2021 là 51.532 hộ, tỷ lệ: 17,24%, cuối năm 2023 là 37.725 hộ, tỷ lệ: 12,48%.
Địa bàn vùng DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư hỗ trợ nhiều chương trình, chính sách; đặc biệt là 3 Chương trình MTQG: Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, góp thêm nguồn lực rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719 đã thực hiện hỗ trợ đất ở 31 hộ, nhà ở 580 hộ, đất sản xuất đối với 725 hộ và đầu tư xây dựng 497 dự án, công trình dân sinh khác. Còn với nguồn vốn sự nghiệp, đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề 892 hộ, nước sinh hoạt phân tán 7.661 hộ, khoán bảo vệ rừng 116.623,86ha, hỗ trợ bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình là 135.032,78ha. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn sự nghiệp, đã tổ chức 46 hoạt động tuyên truyền, vận động tới 2.635 người về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”… góp phần làm chuyển biến nhận thức, suy nghĩ, hành động của người dân trong phát triển kinh tế xã hội, gìn giữ bản sắc văn hóa…
Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đã dành nguồn lực để đầu tư xây dựng 48 công trình; xây dựng 179 mô hình, cho 9.864 hộ dân tham gia. Tổ chức đào tạo nghề cho 4.724 lao động; hỗ trợ xây mới 1.437 căn nhà cho 838 hộ nghèo, 599 hộ cận nghèo; sửa chữa 309 căn nhà cho 198 hộ nghèo và 111 hộ cận nghèo. Tổ chức 300 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 51.309 cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, 75 cuộc đối thoại về giảm nghèo với 9.594 người tham gia.
Ba chương trình MTQG hòa trộn đã góp sức làm cho bộ mặt của các bản làng miền Tây xứ Nghệ ngày một khang trang hơn từ những công trình, hạ tầng dân sinh được đầu tư, nâng cấp. Tính đến 30/6/2024, vùng DTTS và miền núi đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí của vùng là 14,34 tiêu chí/xã…
Hiện tại, vùng DTTS và miền núi Nghệ An còn có 4 chính sách dân tộc khác cũng đang được đẩy mạnh triển khai, gồm đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chính sách Người có uy tín; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho Người có uy tín; Chương trình 1838 về vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở. Những chính sách này đã góp thêm nguồn lực để việc thực hiện công tác dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tại Đại hội, các đơn vị Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông đã chia sẻ nhiều ý kiến về hiệu quả từ các Chương trình MTQG trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, thực trạng và giải pháp trong thời gian tới; vai trò của dòng họ, dòng tộc trong gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của DTTS tại bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông...
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024 của tỉnh Nghệ An là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối Đại đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh bày tỏ sự vui mừng về những kết quả trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III của tỉnh Nghệ An. Đó là, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người DTTS có nhiều năm giảm trên 10%, tạo việc làm cho gần 90.000 người thuộc 11 huyện miền núi, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, trong đó vùng đồng bào DTTS năm 2023 đạt 34 triệu đồng/người.
Công tác giáo dục, đào tạo được thực hiện bài bản, hiệu quả, đã thu hút số lượng lớn học sinh DTTS các cấp đến trường học tập, đặc biệt các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú luôn đạt 100% đỗ tốt nghiệp phổ thông trung học, trên 90% đỗ đại học, nhiều em đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi trong nước và quốc tế đã vinh dự được UBND tỉnh và UBDT tuyên dương, khen thưởng. Kết quả giáo dục đào tạo trên sẽ tạo được nguồn nhân lực quý và quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng.
Định hướng về những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới, Bộ trưởng,Chủ nhiệm UBDT đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triểnKT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tiếp tục đổi mới tư duy, hành động trong thực hiện 3 Chương trình MTQG; tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở các xã vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng biên giới; tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS gắn với chú trọng xây dựng, vun đắp khối Đại đoàn kết các dân tộc.
Tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định những đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng nhấn mạnh rằng: Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, cũng như tập trung chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực để phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý mong muốn đồng bào các DTTS Nghệ An tiếp tục củng cố và giữ vững tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em; giữ tài nguyên đầu rừng một cách hiệu quả hơn; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đậm đà của các dân tộc; phát huy tự tin, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống; tiếp tục giữ yên biên giới, giữ yên bản làng.
Đối với các cấp ủy đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh công tác dân tộc trong tình hình mới, ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, chỉ đạo, rà soát các cơ chế chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào DTTS, chủ động đấu tranh với các tư tưởng lợi dụng để chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, xây dựng biên giới an yên, ổn định.
Ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các tập thể, cá nhân; tại Đại hội đã có 5 tập thể và 5 cá nhân được Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT tặng Bằng khen; 5 cá nhân vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự phát triển công tác dân tộc. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 24 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2024.
Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư của Đại hội với nhiều chỉ tiêu, nội dung quan trọng./.
Theo baodantoc.vn