image banner
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Quế Phong lần thứ IV, năm 2024

Ngày 20/6/2024, UBND huyện Quế Phong tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024. Đây là đơn vị thứ tư tổ chức Đại hội cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo Đại hội có đồng chí Lương Văn Khánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh; cùng tham gia có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện Quế Phong và 100 đại biểu chính thức.

Anh-tin-bai

Văn nghệ chào mừng Đại hội

Quế Phong là huyện miền núi cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 188.842,91 ha, có 74,793 km đường biên giới tiếp giáp với hai huyện Mường Quắn và huyện Xăm Tảy, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, giao thông trên địa bàn nội huyện và giao lưu kinh tế với bên ngoài còn khó khăn. Toàn huyện có 16.200 hộ với 75.869 nhân khẩu, bao gồm các dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú và các dân tộc khác cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số là 14.434 hộ với 68.434 khẩu chiếm 90,2%. Có 12 xã và 01 thị trấn, 107 thôn bản, trong đó có 11 xã khu vực III, 02 xã khu vực I (xã Mường Nọc và thị trấn Kim Sơn) với 82 thôn bản khó khăn thuộc các xã khu vực I, III. Là huyện có diện tích tự nhiên rộng lớn, nhưng địa hình chủ yếu là núi cao, có độ dốc lớn nên diện tích đất sản xuất ít, giao thông đi lại từ UBND huyện đến trung tâm các xã, đặc biệt từ xã về các bản còn gặp nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt và bố trí dân cư chưa hợp lý.

Trong những năm qua, huyện Quế Phong đã xây dựng các kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như Chương trình 135, Chương trình 30A, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính sách đối với người có uy tín, Chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, Chính sách hỗ trợ về y tế, dân số, Chính sách hỗ trợ đối với học sinh... Thông qua các chương trình, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, miền núi. Kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc thể hiện qua các số liệu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2023 đạt 8,82%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 35,7 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 đạt 25,241 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 34,8%, giai đoạn 2020 - 2023 bình quân mỗi năm giảm trên 4,5%.

Tuy nhiên, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn còn xảy ra, nhất là đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đối với kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã có sự thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ lao động sản xuất thấp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn còn cao (5.526/5.644 hộ, chiếm 97,9% tổng số hộ nghèo toàn huyện).

 

Anh-tin-bai

Đ/c Lương Văn Khánh phát biểu chỉ đạo Đại hội

 

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Lương Văn Khánh chúc mừng và biểu dương những thành tích mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đạt được trong thời gian qua.

Đồng chí Phó trưởng Ban Dân tộc lưu ý, nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới: việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở một số xã đạt hiệu quả chưa cao; hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao với 34,8%  so với bình quân chung của tỉnh là 5,19%, trong số này tập trung cao vào hộ người dân tộc thiểu số; việc đầu tư, phát triển du lịch đã đạt được nhiều kết quả, song chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; thực hiện phát triển lâm nghiệp tốt, tạo nguồn thu nhập lớn cho nhân dân, tuy nhiên giá trị kinh tế trên tổng diện tích cây trồng chưa cao, cần nghiên cứu, thay thế các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Xây dựng các phong trào nêu cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên làm giàu của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện nhà.

Đồng chí Lương Văn Khánh đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Quế Phong, tiếp tục nhìn nhận, đánh giá, đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả 05 nhiệm vụ chủ yếu về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đã được tiếp thu qua Quyết tâm thư của Đại hội.

Về công tác thi đua khen thưởng: có 08 cá nhân được tặng Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc; 04 tập thể và 10 cá nhân được tặng Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.

Đại hội đã bầu 25 đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV và thông qua Quyết tâm thư Đại hội./.

Tin bài: Đinh Xuân Trung Kiên

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1