image banner
Dân tộc Thái

Tộc người Thái bao gồm các nhóm: Man Thanh, Hàng Tổng, Tày Mười thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Đây là bộ phận dân cư lớn nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt miền núi Nghệ An trong lịch sử cũng như hiện nay là gần 30 vạn cư dân Thái. Đây là nhóm Thái có số dân sống tập trung lớn vào loại thứ hai của cả nước (sau Sơn La trên 57 vạn).

Người Thái vào Nghệ An khoảng từ thế kỷ XV - XVII do những nguyên nhân khác nhau: một bộ phận do chuyển cư tự nhiên từ Lào sang, một bộ phận do chủ trương chuyển cư của Lê Thái Tổ (thế kỷ XV) khi chinh phạt Đèo Cát Hãn từ Tây Bắc, một bộ phận khác chuyển cư từ Thanh Hoá vào. Có ý kiến khác lại cho rằng người Thái đến Nghệ An vào khoảng thế kỷ thứ X. Gần đây, theo tài liệu của một học giả Pháp, người Thái đã có mặt ở vùng này trước thế kỷ VI. Hầu hết các huyện miền núi và trung du ở Nghệ An đều có cư dân Thái sinh sống: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương và một số xã thuộc huyện đồng bằng Quỳnh Lưu.

Theo tư liệu tiếng Thái ghi chép còn lại và những truyền thuyết dân gian cho thấy nhóm Thái đầu tiên vào Nghệ An là nhóm có số dân đông nhất, cư trú chủ yếu ở dọc Quốc lộ 48A thuộc các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp hiện nay. Nhóm cư dân này được gọi là Hàng Tổng, có nơi gọi là người Tày Mường hay Tày Chiềng. Do di cư từ Tây Bắc vào có tổ chức theo đơn vị Mường phìa nên vào Nghệ An họ mang theo tên gọi có ý nghĩa tự xưng như là người Tày Chiềng, Tày Mường, (người ở vùng trung tâm của “Mường phìa”). Nhóm Tày Mường và Tày Chiềng cư trú sớm nhất so với các nhóm người khác ở miền núi Nghệ An. Qua các sách vở bằng chữ Thái, nhóm Tày Mường đã lập làng bản ở Con Cuông và Tương Dương vào thế kỷ 13 - 14. Ở vùng Quỳ Châu cũ, nhóm Tày Mường đã lập nghiệp đầu tiên ở Mường Tôn (nay là xã Mường Nọc huyện Quế Phong); Kim Tiến (gồm các xã Châu Bính và Châu Tiến huyện Quỳ Châu ), Khủn Tinh (gồm các xã Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý, Châu Đình huyện Quỳ Hợp).

Người Thái là một trong những cư dân biết làm ruộng nước từ rất sớm. Một số khâu trong kỹ thuật canh tác đã đạt đến trình độ cao. Dấu vết của văn hóa “hỏa canh thủy nậu” truyền thống vẫn còn tồn tại ở những vùng thung lũng hẹp. Bổ sung vào nguồn lương thực và canh tác ruộng nước, đồng bào còn canh tác nương rẫy với lúa cạn và các cây lương thực hoặc hoa màu. Chu kỳ canh tác loại nương rẫy này thường từ 3 - 4 năm. Ở một loại nương rẫy khác dùng để trồng bông, dệt vải và đã áp dụng một số biện pháp thâm canh cao. Rau rừng và các sản phẩm tự nhiên khác như tôm, cá, cua,... là nguồn thức ăn bổ sung quan trọng. Người Thái trước đây chỉ trồng lúa nếp, thì nay họ đã trồng lúa tẻ nhiều hơn với các loại giống mới thay thế các giống địa phương... Trong các loài gia súc thì con trâu được người Thái quý trọng vì ngoài việc dùng làm sức kéo còn là vật cúng lễ, họ còn có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi cá ruộng và cá ao. Việc săn bắn chim thú được tiến hành trong lúc nhàn rỗi và bên cạnh việc tăng nguồn thức ăn, săn bắn còn nhằm mục đích bảo vệ mùa màng,... Các gia đình người Thái đều biết làm nghề thủ công. Trong đó có các nghề trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm rất nổi tiếng. Nghề dệt thổ cẩm Thái là nghề cổ truyền, có tính chất gia truyền và thu nhập do nghề dệt đem lại ở một số gia đình đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Cư dân Thái ở vùng Cửa Rào (huyện Tương Dương) còn biết làm nghề chạm bạc đồ trang sức; Ở vùng Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương nghề đãi vàng khá phát triển. Ngoài ra người Thái còn có các nghề như lấy cánh kiến ở Tương Dương, nghề làm gốm, nghề rèn, đan lát.

Nét văn hóa tiêu biểu nhất ở người Thái là nhà cửa và trang phục. Mỗi bản thường có 30 - 40 nóc nhà, cũng có bản trên 100 nóc nhà. Nhà ở được cấu trúc theo lối mật tập và thường lớn hơn, chắc chắn hơn so với nhà của đồng bào các dân tộc khác. Xu hướng nhà sàn của người Thái chuyển dần sang nhà đất đã xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây. Một số gia đình làm nhà nửa sàn nửa đất... Quần áo và đồ trang sức của người Thái Nghệ An có một số nét khác biệt với người Thái Tây Bắc. Đáng chú ý là chiếc váy phụ nữ có cạp trắng hay đỏ, chân váy được thêu rực rỡ. Áo phụ nữ Thái điển hình cho lối trang phục của các cư dân ở vùng Đông Nam Á với 3 loại áo: chui đầu, xẻ nách và xẻ ngực. Trong các dịp lễ hội, đồng bào dân tộc Thái tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc với các trò chơi nhảy sạp, ném còn,... Hoạt động văn nghệ thì đánh trống, cồng chiêng, khắc luống và hát xuối, nhuôn đối đáp. Tổ chức thi văn nghệ, thi người đẹp và các môn thể thao dân tộc như kéo co, bắn nỏ,...

Về quan hệ xã hội, hôn nhân và gia đình, trong lịch sử khi di cư vào Nghệ An, người Thái cũng đã mang theo thiết chế xã hội của họ ở Tây Bắc vào: chúa đất cai quản Mường và cha truyền con nối. Gia đình Thái là gia đình nhỏ phụ quyền, một vợ một chồng. Trong đó, quyền lực tập trung trong tay người cha, người chồng. Hôn nhân truyền thống của người Thái nhiều chỗ còn mang tính chất “mua bán”. Tiền “cá hua” là giá của người con gái mà chàng rể phải trả dưới hình thức lễ vật, bạc nén và ở rể. Luật tục xử phạt rất nặng đối với các trường hợp vi phạm sự ổn định của gia đình như ngoại tình, loạn luân,...

Người Thái cho rằng Pò Then là đứng siêu nhân quyết định cuộc đời và số phận của con người. Then cai quản các thần, các loại ruộng nương, ma nương, ma tổ tiên. Mỗi bản đều có các ông Mo nắm giữ phần hồn của người dân. Trật tự gia đình phụ quyền được khẳng định và củng cố bằng hình thức thờ cúng tổ tiên. Việc thờ cúng Chúa đất, bản mường, tổ tiên,... tổ chức theo hội hè hàng năm, theo mùa vụ sản xuất và thường ghép với nghi lễ nông nghiệp. Tín ngưỡng có liên quan đến nông nghiệp rất được quan tâm như tục đón tiếng sấm đầu tiên, tục cúng hồn lúa và cúng vua ruộng khi gieo mạ, cấy lúa, lễ cơm mới,...

Một số hình ảnh dân tộc Thái ở Nghệ An:





Ban biên tập

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1