image banner
Đoàn công tác của Ban Dân tộc làm việc tại huyện Quế Phong

Chiều ngày 17-3, tại thị trấn Kim Sơn, Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền huyện Quế Phong. Đồng chí Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc và đồng chí Trương Minh Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quế Phong chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An gồm các đồng chí: Lương Văn Khánh - Phó Trưởng Ban; Vi Mỹ Sơn - Phó Trưởng Ban, cùng các đồng chí Trưởng phòng chuyên môn. Về phía huyện Quế Phong, gồm các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng các phòng chuyên môn…

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Dân tộc đã được nghe lãnh đạo huyện Quế Phong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách dân tộc năm 2020 của huyện. Theo đó, Quế Phong là huyện vùng núi cao, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An. Huyện có 12 xã, 1 thị trấn, với 107 thôn bản; dân số trên 72 nghìn người gồm 4 dân tộc anh em sinh sống. Năm 2020, cùng với sự khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19; hạn hán, thiên tai, sạt lở đất, dịch bệnh… xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và đời sống kinh tế của nhân dân. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự chỉ đạo linh hoạt và quyết liệt của các cấp chính quyền, giám sát chặt chẽ của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể và sự đồng lòng chung sức nỗ lực của toàn thể nhân dân, huyện Quế Phong đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội; công tác phòng chống dịch được thực hiện hiệu quả, kinh tế tiếp tục giữ đà tăng trưởng trên cả 3 lĩnh vực. Cụ thể, kinh tế năm 2020 tiếp tục được giữ đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 2.867 tỷ đồng, tăng 7,85% so với năm 2019 và bằng 97,76% so với kế hoạch năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,82 triệu đồng (năm 2020), tăng 7,4% so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,65%. Diện tích trồng trọt và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện hàng năm tăng với tổng diện tích 5.166 ha cây lương thực có hạt, đạt sản lượng 24.953 tấn; diện tích cây công nghiệp hàng năm đạt 1.435 ha, sản lượng 19,951 tấn; bảo tồn, mở rộng diện tích và vùng trồng các loại cây dược liệu, cây có giá trị kinh tế cao tại các xã với diện tích cây chè hoa vàng đạt 71,3 ha, cây Bon bo 719 ha, cây chanh leo 163,8 ha. Tổng đàn gia súc 66.680 con, diện tích nuôi trồng thủy sản 254 ha với 303 lồng nuôi. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, trồng mới 542 ha rừng trồng tập trung, 55 ha rừng phân tán… Tính đến nay, huyện có tổng 19 HTX, có 3 làng nghề dệt thổ cẩm được công nhận danh hiệu làng nghề. Hoạt động sản xuất công nghiệp – xây dựng tiếp tục tăng trưởng với tổng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 2.532 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất lĩnh vực thương mại-dịch vụ đạt 948.935 triệu đồng. Các lĩnh vực khác văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời…`

Chiều ngày 17-3, Đoàn đã đến thăm xã Đồng Văn và trực tiếp trao quà cho ông Vi Văn Phong (người có công với cách mạng ở bản Đồng Mới) và ông Lang Hồng Thắng (người có uy tín ở bản Tục Pang).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo, chính quyền huyện Quế Phong đã có nhiều kiến nghị đề xuất, mong muốn lãnh đạo Ban Dân tộc xem xét, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh để có cơ chế, chương trình, chính sách hỗ trợ huyện Quế Phong, như: Các vấn đề về chế độ cán bộ thôn, bản; nhiều trường học có học sinh bán trú nhưng không có chế độ bán trú; hướng dẫn cụ thể địch mức hỗ trợ kinh phí bảo tồn cây dược liệu, cây con đặc hữu; có chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển làng Thái cổ; tăng hỗ trợ cho vay…

Đoàn đến thăm mô hình nuôi cá lồng thu lợi nhuận cao của hộ ông Trần Văn Thuận ở bản Piềng Văn, xã Đồng Văn. Đây là mô hình có quy mô 60 lồng, hàng năm đạt năng suất 0,7 tấn cá/lồng với tổng sản lượng 14 tấn, doanh thu 700 triệu đồng/năm.

Nằm trong chương trình công tác, sáng ngày 17-3, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với chính quyền xã Tri Lễ. Đây là xã được Ban Dân tộc nhận “đỡ đầu” giúp đỡ trong 9 năm qua, qua đó góp phần nâng cao tinh thần, củng cố đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo của người dân trong xã. Đặc biệt là thắt chặt mối quan hệ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ, vào các tổ chức xã hội hay các chương trình, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.

Trước các ý kiến phát biểu của lãnh đạo huyện Quế Phong, với chức năng là cơ quan quản lý công tác dân tộc, tham mưu thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc đã trả lời một số băn khoăn, đề xuất mà huyện chỉ ra. Đồng thời, sẽ quan tâm, lưu ý và đề xuất với lãnh đạo tỉnh những khó khăn mà huyện đang gặp phải trong các diễn đàn, cuộc họp HĐND tỉnh…

Nhân dịp này, Đoàn đã tặng quà cho em Xồng Bá Chông, lớp 3, dân tộc Mông tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2, là học sinh mồ côi mẹ, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Và ông Thò Xia Lỳ, người có uy tín ở bản Pà Khốm.



Đoàn đã đến thăm mô hình bảo tồn cây măng đắng và trồng đào tại bản Pà Khốm với doanh thu đạt 100 triệu đồng/năm và mô hình chăn nuôi trâu bò trên 80 con, doanh thu 150 triệu đồng/năm tại bản Na Niếng.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc chia sẻ với những khó khăn của huyện Quế Phong. Đồng chí nêu rõ những tồn tại huyện cần lưu ý, trong điều kiện Quế Phong là huyện có diện tích lớn, đất đai phì nhiêu, khí hậu thuận lợi với nhiều sản vật phong phú, quý giá. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cần có giải pháp nâng tầm sản phẩm, từ sản phẩm bình thường trở thành đặc sản có giá trị, được đông đảo khách hàng biết đến. Hạ tầng cơ sở của huyện phát triển chưa đồng bộ, là huyện có nhiêu công trình thủy điện nhưng có tới 10 bản chưa có điện lưới. Trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, tình trạng tệ nạn xã hội, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra… Trưởng Ban Dân tộc mong muốn trong thời gian tới, huyện cần quan tâm hơn nữa đến cán bộ làm công tác dân tộc. Đồng thời, luôn gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc, phát triển các sản phẩm du lịch từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương…

Đáp lại tình cảm của đồng chí Trưởng Ban, đồng chí Trương Minh Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quế Phong thay mặt lãnh đạo, chính quyền huyện cảm ơn tập thể lãnh đạo Ban Dân tộc cũng như các đồng chí trong Đoàn công tác đã dành sự quan tâm, sẻ chia cho Quế Phong khi lựa chọn huyện là điểm đến đầu tiên trong chuyến công tác tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An. Đồng chí xin hứa sẽ cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ, chính quyền huyện nỗ lực đưa Quế Phong vượt qua khó khăn, từng bước phát triển, trở thành huyện miền núi khá của tỉnh.

Trước đó, Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã tổ chức một số hoạt động thiết thực tại huyện Quế Phong.

Vân Anh

 
12345678910...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1