Hội nghị đánh giá tổng kết, nghiệm thu thực hiện 02 mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc giao cho Ban Dân tộc phối hợp với các sở ngành và chính quyền địa phương, xây dựng các mô hình thí điểm trồng cây táo mèo ở vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Nghệ An và mô hình thí điểm trồng cây bời lời đỏ vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Đến tháng 09 năm 2020 các mô hình đã đến giai đoạn kết thúc dự án, Ban Dân tộc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá, nghiệm thu, xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng các mô hình ra diện rộng và định hướng đầu ra sản phẩm trong thời gian tới, cụ thể:
1- Mô hình trồng thí điểm trồng cây bời lời đỏ: Lựa chọn 03 hộ gia đình để triển khai trồng thí điểm 4,7ha, tại xã bản Na Lười, Mậu Đức, huyện Con Cuông. Quá trình triển khai thực hiện loài cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, thích nghi ở những khu vực có độ cao 400m – 600m, phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hơn 3 năm cây trồng cho phát triển rất tốt, đường kính từ 10cm-20cm; cao khoảng 2,5m-4m. Hiện nay diện tích trồng cây bời lời đỏ của các hộ gia đình đã đến thời kỳ thu hoạch được cành, lá cây để bán cho các cơ sở, đại lý mua để làm bột hương, nấu keo dùng trong công nghiệp.

Đồng chí Lô Xuân Vinh, Phó Trưởng Ban Dân tộc khảo sát và thăm mô hình

Lãnh đạo Trung tâm Tư vấn và HTVDTTS tỉnh Nghệ An thăm mô hình cùng với các hộ dân
2- Mô hình trồng thí điểm cây bời lời đỏ:
Ban dân tộc phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, tuyên truyền, vận động cho người dân hiệu rõ hiệu quả kinh tế của mô hình đem lại và lựa chọn trồng tập trung tại bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn; diện tích khoảng 7,5 ha (ông Vừ Rả Tênh 2 ha; Vừ Xái Chù 2,5 ha; Vừ Xái Xử 0,5 ha; Vừ Vả Lềnh 0,5 ha; Vừ Bá Và 0,6 ha; Vừa Bá Lành 0,4 ha; các hộ trồng rải rác khoảng 1,0 ha). Qua 04 năm thực hiện cho thấy trồng thí điểm cây táo mèo đã sinh trưởng phát triển ổn định. Cây có đường kính lớn từ 10cm – 30cm, cao từ 2,0m đến 4,5m; một số cây trồng năm 2015 đã cho ra quả vào năm 2019 quả tương đối lớn và rất nhiều.
+ Hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội:
- Cây bời lời đỏ là một trong những loại cây thân to lớn thuộc dòng cổ thụ, trồng rừng đang được các công ty, hộ gia đình đồng bào dân tộc miền núi, trồng tập trung trên các nương rẫy, vườn nhà và vườn rừng. Bời lời đỏ là giống cây sống lâu năm, kỷ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, dễ phổ biến rộng, sản phẩm thu hoạch chủ yếu là từ vỏ cây, tuổi trưởng thành cây 4-5 năm là thu hoạch, thời vụ quanh năm, dễ chế biến, bảo quản...mỗi năm thu hoạch đạt từ 80 triệu đồng/ha đến 150 triệu đồng/ha (tương đương khoảng 3-5 tấn vỏ khô, giá bình vào khoảng 22.000đồng/kg-30.000đồng/kg). Ngoài vỏ khô, cây bời lời còn cho nguồn thu nhập thêm từ lá và thân cây, lá cây xay ra dùng để làm bột hương, còn thân cây dùng làm bột giấy và cốt pha xây dựng, đồ mộc…bời lời là cây tái sinh rất mạnh, sau 4-5 năm cho thu hoạch lại lần 2…
- Cây táo mèo: cây táo mèo trồng tại các điểm đều phát triển ổn định, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, canh tác đơn giản, cây ít bị sâu bệnh so với các loài cây khác, cây được trồng ở độ cao trên 1000m. Đặc biệt cây có khả năng chống chịu nắng, lạnh rất cao. Sản lượng ước đạt từ 2 tấn – 3,5 tấn/ha; tổng giá trị doanh thu ước tính đến giai đoạn ổn định là: 60-100 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận ước tính đạt 40 triệu đồng - 70 triệu đồng/ha/năm.
- Làm tăng tỷ lệ che phủ của rừng, tăng sinh khối rừng, từ những diện tích rừng trồng sinh trưởng, phát triển kém, mật độ thấp, thành vườn rừng sản xuất thâm canh có năng suất chất lượng cao tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, cải thiện môi trường sinh thái góp phần nâng độ che phủ rừng .
- Phát triển và nhân rộng diện tích sẽ góp phần thu hút lao động tạo công ăn việc làm; nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An; thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo niềm tin của đồng bào vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Lô Xuân Vinh, Phó Trưởng Ban Dân tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết, đánh giá và nghiệm thu mô hình thí điểm
3. Giải pháp thu hoạch và định hướng đầu ra cho sản phẩm:
Sau khi thu hoạch quả táo mèo và sản phẩm từ cây bời lời đỏ sẽ được bán ra thị trường để bán cho các cá nhân, thương lái, các công ty thu mua dược liệu, hiện nay nhu cầu thu mua của thị trường rất lớn, giá cả tương đối cao và ổn định...Tiếp tục mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng quả táo mèo và cây bời lời đỏ ở quy mô lớn, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung thì chính quyền địa phương đưa vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các huyện; phối hợp với các sở, ngành thu hút các công ty thu mua dược liệu, sản xuất chế biến tại chỗ để đạt hiệu quả cao nhất và ổn định đầu ra, giá cả cao để nhân dân yên tâm sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây tỉnh Nghệ An.
Đăng Tịnh