Tộc người Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme. Người Khơ - mú có nhiều tên gọi khác nhau. Ở Lào, người Khơ - mú được gọi chung một cái tên là Lào Thỏng, nghĩa là những người sống ở vùng giữa, lưng chừng sườn núi. Ở Nghệ An, người Khơ - mú tự nhận tên của mình là KhMụ - có nghĩa là Người. Họ còn được các tộc người khác đặt tên: Xá Cẩu, Xá Khao, Phu Thênh, Kha Mu, Căm Mụ, Tày Hạy, Mứn Xen... Năm 1979, sau nhiều cuộc điều tra xác định thành phần các dân tộc, các nhà khoa học đã công bố Danh mục Thành phần các dân tộc ở Việt Nam, tên gọi Khơ - mú là tên gọi thống nhất cho tộc người này trong cả nước.
Người Khơ - mú ở Nghệ An có nguồn gốc từ Lào di cư sang, cư dân Khơ - mú và dân tộc Ơ - đu là chủ nhân của vùng đất Tây Nghệ An - Thanh Hóa - Sơn La từ trước thế kỷ thứ X. Quá trình di cư của người Khơ - mú sang Việt Nam nói chung, miền núi Nghệ An nói riêng gắn với lịch sử của nước Lào. Ở Lào có trên 40 tộc người nhưng trong thực tế phân thành 3 bộ tộc lớn theo đặc điểm của địa hình cư trú:
Khi Lào bị giặc Cờ Vàng từ Vân Nam tràn xuống xâm chiếm, người Khơ - mú theo các tù trưởng đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã di chuyển và cư trú đến các tỉnh phía Bắc Lào, Thanh Hoá và Nghệ An cách đây khoảng 200 năm. Miền núi Nghệ An nối liền về mặt địa văn hoá với các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của Lào. Khi biên giới quốc gia chưa được vạch định rõ ràng thì việc cư dân hai nước đi lại, cư trú là điều dễ dàng. Vì vậy, vào khoảng năm 1884 - 1887 người Khơ - mú theo tù trưởng Thạo Cốt chống Pháp thất bại, đa số người Khơ - mú đã ở lại sinh sống tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Tại Kỳ Sơn, họ đến cư trú sớm nhất ở các xã Mường Típ, Keng Đu, Bảo Thắng, Bảo Nam.
Sau đó, người Khơ - mú còn di cư từ Lào sang rải rác thêm mấy đợt. Năm 1915, thực dân Pháp bắt dân Lào làm đường 7A, phu đồn điền, một số cư dân Lào trong đó có người Khơ - mú chạy trốn sang vùng hẻo lánh ở Nghệ An. Năm 1912 - 1917, khi nghĩa quân Pa Chay thất bại, thực dân Pháp truy lùng quá gắt gao nên một số người Khơ - mú đã từng tham gia theo nghĩa quân phải chạy trốn sang Nghệ An. Năm 1945 - 1946 một số người Khơ - mú theo nghĩa quân lên vùng rừng núi Nghệ An lập căn cứ chống Pháp sau đó ở lại với họ hàng.
Đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy với công cụ điển hình là cây gậy chọc lỗ có một đầu vót nhọn được hơ qua lửa. Do vậy, đời sống của người Khơ - mú nhiều khó khăn, năm được mùa cũng chỉ đủ lương thực cho 6 - 7 tháng. Sản phẩm chăn nuôi không đáng kể, chỉ đáp ứng nhu cầu các nghi lễ tôn giáo. Săn bắn, hái lượm đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Đồng bào chỉ biết dệt vải thô để làm khố cho đàn ông, còn phần lớn quần áo của phụ nữ phải đổi của người Thái. Tuy nhiên, người Khơ - mú lại có trình độ đan lát mây tre khá cao, sản phẩm được các dân tộc khác ưa thích.
Đời sống văn hóa của người Khơ - mú thường gắn với các ngày lễ hội, đặc biệt là tết Grơ theo phong tục riêng của dân tộc mình. Trong thời gian đón tết, họ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ với nhiều điệu múa, nhạc cụ tự tạo như: Kèn môi, ống gõ, đàn, trống, sáo,... Trong đó, hoạt động đặc sắc mang đặc trưng dân tộc là hát Tơm. Ngoài lễ hội trong những ngày tết Grơ, dân tộc Khơ Mú còn tổ chức các ngày lễ: Lễ tra hạt, lễ cùng hồn lúa, lễ mừng cầu mới,...
Bản làng của người Khơ - mú thường chỉ có từ 10 - 20 nóc nhà và do lối sống du cư nên nhà của họ rất đơn giản, chỉ là cột tre, mây nứa, sàn bương,... Xã hội người Khơ - mú trước đây là một xã hội phụ thuộc vào người Thái, một số bản làng cư trú gần người Mông thì lệ thuộc vào người Mông. Trưởng bản là trưởng tộc của dòng họ có số dân đông nhất trong bản. Tài sản có giá trị của người Khơ - mú là đàn bò và số chiêng có được. Sự phân hóa giàu nghèo không lớn. Tính tương trợ cộng đồng rất cao và hình thức đổi công trong sản xuất rất phổ biến. Trong bản, nếu một nhà còn ăn thì cả bản còn ăn. Gia đình người Khơ - mú phần lớn là gia đình phụ quyền, người cha, người chồng là chủ gia đình. Đồng bào rất coi trọng dư luận xã hội, coi đó là một cơ chế điều chỉnh hành vi để duy trì sự ổn định của xã hội.
Trong mỗi dòng họ, người trên kẻ dưới được phân biệt qua tục lệ cổ truyền như cậu hỏi vợ cho cháu, luật quy định chỗ ngồi thực hiện lễ nghi tôn giáo,... Người trong họ không được lấy nhau, nhưng lại có tục hôn nhân con cô con cậu. Tàn dư mẫu hệ vẫn còn nặng, rõ nét nhất như vai trò của người cậu rất lớn trong gia đình của những cặp vợ chồng mới cưới. Khi ở rễ, chàng trai thuộc họ vợ, con cái thuộc họ mẹ, chỉ khi về nhà chồng mới đổi họ theo chồng. Về tín ngưỡng, người Khơ - mú cho rằng mọi hoạt động của con người đều do các Ma chi phối. Ma to nhất là ma trời sai khiến được mưa gió, lụt lội; dưới đất có Ma đất có quyền điều khiển Ma bản, Ma rẫy, Ma rừng; trong nhà có Ma tổ tiên và Ma nhà. Bàn thờ tổ tiên của người Khơ - mú đặt ở bếp trong nhà. Mỗi dòng họ có một cách giải thích nguồn gốc dòng họ mình bằng một câu chuyện mang tính huyền thoại, dòng họ thường mang tên một loài chim, một loại cây nào đó.
Một số hình ảnh dân tộc Khơ mú :
Ban biên tập