Tộc người Thổ ở Nghệ An hiện nay bao gồm các nhóm Cuối, Kẹo, Mọn, Họ, Đan Lai, Ly Hà và Tày Poọng.
Quá trình tụ cư của người Thổ ở Nghệ An khá phức tạp và còn nhiều tranh cãi. Phần lớn các học giả cho rằng quá trình tụ cư của người Thổ ở Nghệ An là quá trình cộng cư của 3 bộ phận: Bộ phận người Kinh ở miền xuôi chạy lên; Bộ phận người Kinh cư trú tại chỗ từ thời xa xưa (khu vực Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp) và bộ phận người Mường, người Kinh từ Thanh Hóa chạy sang. Địa bàn sinh sống hiện nay của người Thổ Nghệ An gồm hai khối cư trú tương đối tập trung nhưng lại ở cách xa nhau, gần như biệt lập với nhau. Khối cư dân ít hơn ở phía Nam bao gồm các nhóm Đan Lai - Ly Hà và Tày Poọng. Khối cư dân đông hơn ở phía Đông Bắc bao gồm các nhóm Kẹo, Mọn, Họ và Cuối.
Nhóm Kẹo, Họ phân bố ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Phần lớn người già ở đây vẫn đang nhớ về một vùng quê đồng bằng. Theo họ, tổ tiên của họ di cư đến vùng này khoảng 6 - 8 đời. Người Thổ thuộc nhóm Họ, Kẹo vẫn lưu truyền về biến động lịch sử một thời buộc tổ tiên họ phải di cư lên miền núi sinh sống để trốn tránh tô thuế nặng nề của chế độ phong kiến ở miền xuôi, hoặc để lẫn tránh các bệnh dịch. Một số bản gia phả dòng họ người Thổ ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn ghi rõ nơi ra đi của họ là từ Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành.
Người Thổ sinh sống chủ yếu dựa vào kinh tế nương rẫy. Trình độ canh tác rẫy trên đất dốc khá cao thể hiện ở khâu làm đất bằng chiếc “cày nại” điển hình và cây gậy chọc lỗ bỏ hạt, làm cỏ,... Cùng với trồng lúa, đồng bào còn trồng xen ngô, đỗ, lạc, mía,... nhưng không nhiều. Người Thổ có nghề trồng gai và chế biến các sản phẩm từ cây gai khá phát triển và đậm nét bản sắc dân tộc. Sản phẩm từ gài như võng, lưới săn thú, lưới đánh cá,... rất được ưa chuộng. Hầu hết đàn ông đều biết đan lát và các sản phẩm như ghế mây, bồ đựng quần áo, hộp kim chỉ được đem đổi hoặc bán ra. Người Thổ ở một số nơi còn có nghề đánh bắt cá cổ truyền với nhiều công cụ đặc hữu. Nghề săn thú, nhất là săn tập thể, đã trở thành tập quán cổ truyền vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa là một dạng hoạt động văn hóa mang tính chất truyền thống của cộng đồng. Các hình thức thu nhặt lâm thổ sản cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Thổ, nhất là với nhóm Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng.
Nền văn hóa vật chất của người Thổ không có gì đặc sắc lắm. Nhà ở làm bằng gỗ rừng và tranh tre nứa lá giản đơn, cột ngoẵm, chỉ cần con dao và cái rìu là dựng được nhà. Nhà sàn của người Tày Poọng chịu ảnh hưởng của nhà sàn người Thái. Những biểu hiện văn hóa vật chất khác như trang phục, công cụ sản xuất mang tính pha tạp là dấu ấn của một dân tộc có nhiều nguồn dân cư khác nhau và chịu ảnh hưởng của các dân tộc khác cùng chung sống.
Sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ thường gắn với các lễ hội xuống đồng đầu năm; lễ đền Cồn làng,... Trong các dịp lễ hội, đồng bào dân tộc Thổ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa với các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo mang đậm dấu ấn đặc trưng văn hóa của dân tộc mình như: Đu đu điềng điềng, Ên ên - Ạc ạc, Hát Thuôm, hát ghẹo, hát cuối, hát dặm, múa sạp,... Cùng với những nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn, chiêng, trống, người Thổ còn có những nhạc cụ riêng như đàn Thổ, đàn tính tang. Sự hòa quyện âm thanh của các nhạc cụ truyền thống với những âm thanh của các nhạc cụ dân tộc Thái tạo nên những âm hưởng mang đậm sắc thái của dân tộc Thổ.
Ý thức cố kết cộng đồng của cư dân người Thổ khá bền vững thể hiện cao nhất về chế độ hôn nhân nội tộc của cộng đồng. Tuy các nhóm ở xa nhau nhưng quan hệ hôn nhân rất chặt chẽ. Kết hôn với người khác tộc rất hạn chế. Mối quan hệ giữa các thành viên trong làng bản là mối quan hệ tương thân tương ái, đoàn kết giúp nhau trong những việc như làm nhà mới, ngày gieo hạt,... Người Thổ sống thành làng có trùm làng do dân bầu ra. Tuy vậy, địa vị xã hội và đời sống kinh tế của trùm làng vẫn không biệt lập ra ngoài quan hệ cộng đồng cư trú làng cổ truyền.
Quan niệm của đồng bào Thổ về thế giới cõi âm rất phức tạp. Có nhiều loại thần và ma trong tín ngưỡng bao gồm nhân thần, thiên thần và cả thần những vật vô tri. Những người đầu tiên mở đất lập làng, những người chiến thắng trong các cuộc chinh chiến đều trở thành thần và được nhân dân thờ phụng. Tín ngưỡng vạn vật có linh hồn thể hiện rõ trong quan niệm về các loại ma như ma đồng, ma nhà, ma cây to đầu làng.
Một số hình ảnh dân tộc Thổ ở Nghệ An:
Ban biên tập